Long Phú nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp
Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã chủ động ký kết Chương trình phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện các nội dung, chương trình thiết thực hỗ trợ nông dân trong sản xuất, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nắm bắt những mặt khó khăn, hạn chế, trên cơ sở hướng dẫn kịp thời để giải quyết khó khăn, giúp Hội Nông dân các cấp ngày càng hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm bổ sung ngân sách và hỗ trợ chỉ đạo vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Hội nông dân huyện Long Phú đã đầu tư nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền là 02 tỷ 600 triệu đồng. Trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh còn đầu tư cho hai Dự án có 24 thành viên nông dân tham gia (Một dự án trồng lúa ở xã Trường Khánh với 14 hộ tham gia; 01 dự án nuôi bò sinh sản ở xã Song Phụng, với 10 thành viên tham gia, mỗi một dự án được hỗ trợ với số tiền là 400 triệu đồng. Nâng tổng số nguồn của tỉnh và Trung ương hỗ trợ được 04 dự án, với tổng nguồn Quỹ hỗ trợ là 01 tỷ 519 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện Long Phú còn chuyển từ ngân sách với số tiền 200 triệu đồng, hỗ trợ cho nông dân đầu tư dự án trồng màu và trồng lúa tại xã Châu Khánh và xã Hậu Thạnh có 11 hộ nông dân tham gia.
Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã đầu tư 22 mô hình từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân có 191 thành viên tham gia, với số tiền là 02 tỷ 600 triệu đồng. Ông Đỗ Thống Nhất – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Phú đánh giá : “ Có thể nói, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân từ năm 2013 đến nay được đầu tư và sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, thu phí và vốn đạt 100%, các mô hình dự án đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, hiện nay đàn heo, đàn bò đã sinh sản từ 2- 3 lứa, riêng mô hình trồng lúa, trồng rau an toàn đã cho năng suất cao hơn, nông dân áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, hội thảo về phân bón, nông dược...từ đó lợi nhuận cao hơn so với cánh đồng khác từ 300 – 500đ/kg, góp phần tăng thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân nông thôn, giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên khá, giàu.”
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Kết luận 61 – KL/BBT, Hội Nông dân huyện còn kết hợp với Phòng NN&PTNT tổ chức 35 lớp tập huấn với 1.062 người tham dự. Nhìn chung, bà con nông dân sau khi tham dự các lớp tập huấn đã nắm bắt kịp thời những thông tin kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từ đó mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời tổ chức trình diễn 11 mô hình; trong đó, vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện triển khai 3 mô hình (mô hình cà tím Nhật, nuôi chim trĩ, nuôi rắn hỗ hành), phối hợp Ban Quản lý dự án Cây ăn trái đặc sản tỉnh triển khai 5 mô hình (2 mô hình trên cây bưởi, 2 mô hình trên cây nhãn, 1 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây bưởi), Phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 01 mô hình (mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn sử dụng vi sinh xử lý ao),... Các mô hình đang trong giai đoạn triển khai và sẽ tiếp tục theo dõi, tổ chức đánh giá trong thời gian tới. Tổ chức được 63 cuộc hội thảo nông dược với 2.090 bà con nông dân tham dự. Qua đó, đã duy trì nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để phát động phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi trong nông dân, điển hình có mô hình lúa – tôm; cá – sen; lúa – sen, nuôi tôm quảng canh cải tiến áp dụng sử dụng vi sinh, sản xuất lúa chất lượng cao; trồng rau an toàn, mô hình chăn nuôi heo thịt và mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực kết hợp trồng lúa ... Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn kết hợp với các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện hợp đồng cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho nông dân theo phương thức trả chậm, phối hợp với các ngành chức năng và Công ty chuyên ngành tổ chức Hội thảo về kỹ thuật trồng lúa, nuôi tôm sạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; thực hiện các mô hình trồng cây ăn trái, trồng màu và nuôi trồng thủy sản theo hướng xanh, sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và môi trường sinh thái. Các cấp Hội Nông dân trong huyện còn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được 218 cuộc với hơn 11.700 lượt người tham dự. Hội viên nông dân đóng góp trên 16 tỷ đồng, hiến gần 25.000m2 đất, tu sửa trên 12 km đường giao thông nông thôn và trồng trên 20.000 cây xanh các loại, các cơ sở Hội còn tích cực vận động nông dân trồng hoa kiểng, xây dựng hàng rào trước sân nhà, dựng trụ và gắn bóng đèn thắp sáng đương quê ... Tính đến nay, huyện Long Phú có 05 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Trường Khánh, Tân Thanh; Long Đức, Song Phụng và xã Phú Hữu, 04 xã còn lại : Xã Long Phú thực hiện đạt 17/19 tiêu chí, xã Hậu Thạnh và Châu Khánh thực hiện đạt 16/19 tiêu chí, và xã Tân Hưng thực hiện đạt 15/19 tiêu chí.. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện mục tiêu từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của nông dân trong huyện.

Chú thích ảnh : Chanh không hạt mô hình đem lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 61 – KL/BBT, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư về Đề án “ Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”. Long Phú có trên 80% tổng số hộ là nông dân, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức đào tạo nghề, tập huấn cho hội viên nông dân những kiến thức về khoa học kỹ thuật và các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tuyên truyền, biểu dương các gương điển hình, những cách làm hay, những mô hình hiệu quả để hội viên nông dân biết, học tập và nhân rộng. Với gần 11.500 hội viên, trong đó có 15.018/23.930 hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã xây dựng được trên 20 mô hình sản xuất có hiệu quả, có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, ngoài ra, các cấp Hội còn có những tập thể, cá nhân xây dựng được mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, điển hình như : Hợp tác xã lúa giống Trường Khánh, hợp tác xã Đồng Tâm xã Tân Thạnh, hợp tác xã Phát Đạt xã Châu Khánh; hợp tác xã Thành Công xã Phú Hữu và hợp tác xã Hưng Lợi xã Long Đức .... đồng thời còn có những cá nhân điển hình tiêu biểu như : Hộ nông dân Nguyễn Hữu Công; Nguyễn Văn Lập ở xã Song Phụng; hộ nông dân Nguyễn Văn Sang ở xã Long Đức, nông dân Nguyễn Thanh Tùng ở Thị trấn Long Phú và nông dân Nguyễn Thanh Tùng ở xã Trường Khánh và nông dân Dương Văn Hồng ở xã Phú Hữu ... đều là những nông dân xây dựng được mô hình và làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 61 – KL/BBT đời sống của nông dân Long Phú không ngừng được nâng lên đáng kể, mức sống của cư dân nông thôn được cải thiện về vật chất lẫn tinh thần, nông dân luôn phấn khởi và an tâm trong sản xuất, kinh doanh, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, trước những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới mang lại hiệu quả. Kết luận số 61 – KL/BBT là một luồng gió mới, vực dậy nền sản xuất nông nghiệp và nâng cao mức sống cho nông dân, nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng của nông dân, nhất là các chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bài và ảnh : Sóc Ca.